Thời điểm vàng để tầm soát ung thư vú
Thời điểm vàng để tầm soát ung thư vú
Độ tuổi nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú
Độ tuổi nên bắt đầu sàng lọc ung thư vú tùy thuộc vào hướng dẫn của từng tổ chức y tế và mức độ nguy cơ của mỗi người phụ nữ. Theo khuyến nghị của Cơ quan Y tế Dự phòng Mỹ, phụ nữ trong khoảng từ 40-50 tuổi nên sàng lọc ung thư vú định kỳ hàng năm hoặc hai năm một lần vì đây là độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao. Các phương pháp được sử dụng chủ yếu là chụp X-quang tuyến vú. Sau và tiếp tục sàng lọc định kỳ hàng năm hoặc hai năm một lần, tùy theo tư vấn của bác sĩ. Sau đây là một số gợi ý trong việc đi khám sàng lọc ung thư vú như sau:
- Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên khám sàng lọc ung thư vú hàng năm bằng chụp x-quang tuyến vú.
- Với phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú nên được tầm soát thêm bằng chụp MRI tuyến vú hàng năm bắt đầu từ tuổi 30. Trong đó gồm những người có đột biến BRCA, bố, mẹ, anh chị em ruột hoặc con của người mang đột biến BRCA, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú 20% đến 25%, có tiền sử xạ trị vào vùng ngực từ 10 đến 30 tuổi, hội chứng Li‐Fraumeni, hội chứng Cowden- Bannayan Riley-Ruvalcaba.
Sàng lọc sớm giúp phát hiện ung thư vú trước khi có triệu chứng xuất hiện
Xác định nguy cơ trung bình với bệnh ung thư vú cần được tham vấn bởi ý kiến của các chuyên gia dựa trên tiền sử gia đình và tiền sử bệnh tật bản thân. Đối với những người có nguy cơ cao hơn, như có tiền sử gia đình hoặc mang các đột biến gen liên quan đến ung thư vú (BRCA1 hoặc BRCA2), việc bắt đầu sàng lọc có thể diễn ra sớm hơn, thậm chí từ 25-30 tuổi, và có thể kết hợp với các phương pháp sàng lọc khác như chụp MRI.
Những triệu chứng gợi ý nên tầm soát ung thư vú ngay
Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư vú đã có những tiến bộ vượt bậc bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, cùng với liệu pháp nội tiết và liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích). Nhờ đó, chất lượng điều trị đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, yếu tố quyết định để đạt hiệu quả cao vẫn là việc phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm. Những người có triệu chứng sau đây thì nên tầm soát ung thư vú ngay, đặc biệt nếu chúng xuất hiện mà không có nguyên nhân rõ ràng:
- Mật độ vú dày hơn phía bên bình thường: Vú có mật độ dày là một yếu tố nguy cơ tăng cao ung thư vú. Sự khác biệt về mật độ giữa hai bên có thể chỉ ra sự hiện diện của khối u hoặc sự thay đổi mô bất thường.
- Thay đổi kích thước hoặc hình dạng của vú: Nếu nhận thấy một bên vú có sự thay đổi bất thường, to lên hoặc bị biến dạng, đó có thể là dấu hiệu đáng lo ngại.
- Da vú thay đổi: Da ở vùng vú hoặc núm vú có thể bị nhăn, lún vào, nổi đỏ hoặc có vảy,... Co kéo da là biểu hiện thường gặp khi ung thư tấn công các dây chằng trong vú, làm da bị lún vào hoặc co rút lại. Thay đổi màu sắc có thể biểu hiện của viêm hoặc các loại ung thư vú dạng hiếm như ung thư vú dạng viêm.
- Đau vú hoặc núm vú: Sưng và đau có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề về vú, nhưng khi không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc xuất hiện không lý do, nó có thể là dấu hiệu của ung thư.
- Núm vú bị tụt vào trong: Núm vú tụt vào trong hoặc chảy dịch, đặc biệt là dịch máu, có thể là dấu hiệu ung thư xâm lấn vào ống dẫn sữa hoặc mô núm vú.
Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác có thể gợi ý ung thư vú hoặc các vấn đề liên quan như đau hoặc khó chịu kéo dài, thay đổi vùng quầng vú,...Mỗi cá nhân cần quan tâm tới sức khỏe của mình khi có những dấu hiệu bất thường của cơ thể. Việc phát hiện sớm và tầm soát kịp thời là vô cùng quan trọng để nâng cao khả năng điều trị thành công.\
Việc tầm soát giúp theo dõi sức khỏe vú thường xuyên và phát hiện sớm thay đổi bất thường.
Đối tượng nào nên ưu tiên tầm soát ung thư vú
Đối với những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú, việc tầm soát nhũ ảnh trước 40 tuổi là rất cần thiết. Các đối tượng nên ưu tiên tầm soát ung thư vú khi nằm trong các trường hợp sau đây:
- Tiền sử cá nhân từng mắc ung thư vú
- Sự xuất hiện của các tế bào bất thường được phát hiện qua sinh thiết vú, hay còn gọi là tổn thương tiền ung thư
- Tiền sử gia đình, đặc biệt là khi mẹ hoặc chị gái mắc ung thư vú trước 35-40 tuổi
- Gia đình có liên quan đến các hội chứng di truyền (như ung thư vú và buồng trứng xảy ra trong cùng một gia đình)
- Đã từng được điều trị bằng xạ trị vùng ngực hoặc vú trong khoảng độ tuổi 10-30
- Mang gen đột biến có nguy cơ cao như BRCA1 hoặc BRCA2
- Có tổ tiên thuộc dòng dõi Do Thái Ashkenazi
- Nguy cơ cao được xác định thông qua các mô hình đánh giá rủi ro như Gail Model đối với người Mỹ da trắng trên 35 tuổi
Tham gia tầm soát ung thư vú sẽ giúp phụ nữ nâng cao nhận thức về tình trạng sức khỏe của mình
Với những phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao, bác sĩ có thể đề xuất chụp X-quang tuyến vú từ 30 tuổi hoặc sớm hơn, thường là 10 năm trước độ tuổi người thân được chẩn đoán ung thư vú. Siêu âm vú và chụp MRI có thể được sử dụng bổ trợ cho nhũ ảnh, đặc biệt khi bắt đầu từ 25 tuổi.
Khoảng 10% các ca ung thư vú có liên quan đến các đột biến di truyền. Phụ nữ trẻ có người thân bị ung thư vú có nguy cơ cao hơn, nhưng không phải tất cả các trường hợp đều như vậy. Nguy cơ mắc ung thư vú phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng, độ tuổi của người thân bị mắc ung thư vú, mối liên hệ giữa ung thư vú và các yếu tố di truyền. Đặc biệt, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về mức độ di truyền. Điều này giúp xác định mức độ nguy cơ của bạn và xây dựng kế hoạch tầm soát phù hợp.
Tại sao nên tầm soát ung thư vú càng sớm càng tốt
Tầm soát ung thư vú sớm là rất quan trọng vì ung thư vú có thể phát triển âm thầm trong giai đoạn đầu mà không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh được phát hiện muộn, nguy cơ tế bào ung thư lan rộng và làm giảm khả năng điều trị thành công sẽ tăng lên.
Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư đã gia tăng đáng kể trong 30 năm qua, với tỷ lệ mắc mới và tử vong cao. Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), Việt Nam xếp thứ 90 về tỷ lệ mắc mới ung thư và thứ 50 về tỷ lệ tử vong. Mỗi năm có khoảng 182.000 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong, trong đó ung thư vú chiếm khoảng 15.000 ca mới và trên 6.000 ca tử vong. Đáng lưu ý, ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa, với tỷ lệ bệnh nhân dưới 40 tuổi tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Việc tầm soát sớm giúp phát hiện ung thư vú khi khối u còn nhỏ và chưa di căn, từ đó tăng tỷ lệ chữa khỏi lên đến hơn 90%. Phát hiện sớm cũng giúp giảm thiểu các phương pháp điều trị xâm lấn và bảo tồn tối đa chức năng và thẩm mỹ của vú. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư vú đều đặn không chỉ nâng cao cơ hội sống sót mà còn giảm chi phí điều trị, thời gian hồi phục và ảnh hưởng tâm lý cho người bệnh.
Nhờ vào những tiến bộ trong y học, khả năng chữa trị ung thư đã được cải thiện đáng kể. Do đó, việc tiến hành tầm soát ung thư vú là vô cùng cần thiết trong việc hỗ trợ nhiều cho việc chẩn đoán và điều trị ung thư từ sớm, mang lại nhiều cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân.
Tầm soát ung thư vú là một công cụ quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho phụ nữ.
Một số cách tự kiểm tra và đoán bệnh tại nhà
Trước đây, tự khám vú tại nhà là một phần quan trọng trong chiến lược sàng lọc ung thư vú. Đối với những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, việc tự quan sát và kiểm tra vú của mình vào khoảng 5 đến 7 ngày sau khi sạch kinh được khuyến nghị. Thông thường, sẽ có 2 cách để tự kiểm tra và đoán bệnh tại nhà là quan sát và sờ nắn.
Đối với việc thực hiện việc quan sát trong tự khám vú, trước tiên là nên đứng trước gương với tay thả lỏng và quan sát sự thay đổi ở vú như u cục, dày lên, lõm da hoặc thay đổi màu sắc da. Sau đó, đưa tay ra phía sau gáy và quan sát lại vú để kiểm tra sự khác biệt. Thực hiện chống tay lên hông và động tác nâng vai lên hoặc hạ vai xuống. Điều này sẽ giúp làm rõ hơn các thay đổi ở vú nếu có.
Khi tiến hành sờ nắn, bắt đầu bằng cách nắn nhẹ đầu vú để kiểm tra xem có dịch chảy ra hay không. Đưa tay phải ra sau gáy và dùng tay trái sờ nắn vú phải. Đặt 4 ngón tay sát nhau thành một mặt phẳng và ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú, di chuyển theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú ra phía ngoài. Cuối cùng, kiểm tra kỹ từng vùng của vú và hố nách để phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Việc thực hiện tự kiểm tra vú định kỳ có thể giúp phát hiện sớm những thay đổi bất thường và nhận diện ung thư vú ở giai đoạn sớm.
Trên đây là những chia sẻ của trung tâm phục hồi hệ bạch huyết Mani Healing Care về tầm quan trọng và lợi ích của tầm soát ung thư vú đối với bệnh nhân được phát hiện sớm. Bắt đầu tầm soát từ độ tuổi 40-50, tùy thuộc vào nguy cơ cá nhân và hướng dẫn của chuyên gia y tế, bệnh nhân sẽ có cơ hội chủ động đối phó với căn bệnh nguy hiểm này. Nếu bạn còn những khó khăn trong việc xác định thời điểm bắt đầu tầm soát ung thư vú, hãy đặt lịch tư vấn với các chuyên gia của Mani Healing Care tại hotline 0868.06.2703 để được giải đáp chi tiết nhé!