Báo giá/Hợp tác

Tổng quan về điều trị ung thư vú ở phụ nữ đang mang thai

13/09/2024
Lượt xem: 55
Theo số liệu từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), ung thư vú ở phụ nữ mang thai xảy ra với tỷ lệ 1/3.000. Dù rất hiếm gặp nhưng khả năng thai phụ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này là hoàn toàn có thể. Trong trường hợp này, các phương pháp điều trị sẽ khá phức tạp cho đội ngũ bác sĩ. Để biết thêm thông tin chi tiết về nội dung này, hãy cùng trung tâm phục hồi hệ bạch huyết Mani Healing Care tìm hiểu ngay qua bài viết sau!

Các phương pháp điều trị ung thư vú khi mang thai

Phác đồ điều trị ung thư vú cho phụ nữ mang thai sẽ được bác sĩ chỉ định dựa vào loại bệnh tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, tuổi thai, mức độ ảnh hưởng đến thai nhi. Trong đó, thời gian thai kỳ sẽ đóng vai trò quyết định. Ưu tiên của đội ngũ điều trị lúc này là làm sao để giữ an toàn cho người mẹ và thai nhi mà vẫn loại bỏ được các tế bào ung thư. Trong trường hợp bệnh nhân đang ở gần cuối thai kỳ khoảng sau tuần 34 – 35 thì việc điều trị có thể trì hoãn cho đến lúc sinh xong. 

Những phương pháp điều trị được phổ biến bao gồm: 

Phẫu thuật

Phẫu thuật được thực hiện với mục tiêu loại bỏ ung thư ở vú và các hạch bạch huyết lân cận. Đây là một phần quan trọng trong điều trị cho ung thư vú cho phụ nữ mang thai để đảm bảo thai nhi được an toàn. Tùy vào tình hình sức khỏe của thai phụ cũng như giai đoạn thai kỳ, bác sĩ có thể đưa ra một trong các lựa chọn phẫu thuật ung thư vú sau:

  • Cắt bỏ toàn bộ vú (phẫu thuật cắt bỏ vú)
  • Chỉ loại bỏ phần vú có chứa tế bào ung thư (phẫu thuật cắt bỏ khối u hay còn gọi là phẫu thuật bảo tồn vú).

Ngoài khối u ở vú, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ một hoặc nhiều hạch bạch huyết ở vùng nách (hạch nách). Bóc tách hạch bạch huyết ở nách (ALND) với mục đích nhằm kiểm tra xem ung thư đã lan rộng hay chưa. Đây là quy trình phẫu thuật dành cho phụ nữ mang thai mắc ung thư vú. 

Phẫu thuật được thực hiện với mục tiêu loại bỏ ung thư ở vú và các hạch bạch huyết lân cận

Ngoài ra, sinh thiết hạch gác cửa hoặc hạch trọng điểm (SLNB) cũng là một lựa chọn tùy thuộc vào thời gian mang thai và giai đoạn ung thư của người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi vì có sử dụng thuốc nhuộm SLNB. Do vậy, hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo chỉ nên sử dụng SLNB trong một số trường hợp nhất định. Ví dụ như ung thư ở giai đoạn cuối thai kỳ và dùng phương pháp sinh thiết hạch gác cửa bằng đồng vị phóng xạ Technicium và lưu ý là không được sử dụng thuốc nhuộm màu xanh lam để thực hiện sinh thiết hạch gác cửa trong suốt quá trình thực hiện.

Sau khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ căn cứ vào giai đoạn ung thư và tình hình sức khỏe của bệnh nhân để quyết định phương pháp điều trị hỗ trợ như hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, chỉ định điều trị cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để giảm thiểu ảnh hưởng đến thai nhi. Cụ thể về các phương pháp sau phẫu thuật gồm: 

Hóa trị 

Hóa trị có thể được chỉ định sau phẫu thuật (phương pháp điều trị hỗ trợ) cho bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm, một số ít trường hợp dùng cho giai đoạn tiến triển hoặc di căn. Phương pháp này sẽ không được thực hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Lý do là bởi phần lớn sự phát triển của thai nhi đều diễn ra trong thời gian này. Đồng thời, độ an toàn của hóa trị cũng chưa được đảm bảo nếu đang trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Đây cũng sẽ là thời điểm có nguy cơ sảy thai cao nhất.

Có nhiều luồng ý kiến về việc hóa trị có gây hại cho thai nhi bất kể thời điểm sử dụng hay không. Một số nguồn tin cho rằng các loại thuốc hóa trị chẳng hạn như: doxorubicin, cyclophosphamide, fluorouracil và taxan được sử dụng trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 (từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 9 của thai kỳ) không gây hại cho thai nhi nhưng có thể làm tăng nguy cơ sinh non.

 

Nếu thai phụ mắc ung thư vú giai đoạn đầu và cần hóa trị sau phẫu thuật (hóa trị hỗ trợ) thì thường bác sĩ sẽ trì hoãn điều trị ít nhất đến tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa thai kỳ). Nếu người bệnh đã ở trong tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối của thai kỳ) thì khi phát hiện ung thư, phương pháp hóa trị hỗ trợ cần chờ đến sau khi sinh mới được sử dụng.

 

Hóa trị có thể được chỉ định sau phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm

Xạ trị

Xạ trị thường được sử dụng sau phẫu thuật bảo tồn vú (cắt bỏ khối u) để giảm nguy cơ tái phát. Liều lượng bức xạ cao có thể gây ra khả năng sảy thai, dị tật bẩm sinh, thai nhi chậm phát triển hoặc làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở trẻ. Vì vậy, biện pháp này thường không sử dụng phương pháp điều trị bằng bức xạ trong thời kỳ mang thai.

Một số chị em khi phát hiện ung thư giai đoạn muộn nếu trong thời gian thai kỳ có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u trước rồi chờ em bé chào đời mới tiến hành xạ trị. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian xạ trị sau mổ có thể làm tăng nguy cơ tái phát sớm tại vú nên phương pháp này hiện chưa được áp dụng rộng rãi.

Xạ trị thường được sử dụng sau phẫu thuật bảo tồn vú để giảm nguy cơ tái phát

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Các loại thuốc nhắm mục tiêu HER2 như trastuzumab (Herceptin), pertuzumab (Perjeta), ado-trastuzumab emtansine (Kadcyla) và lapatinib (Tykerb) có vai trò rất quan trọng trong điều trị ung thư vú dương tính với HER2. Với phụ nữ không mang thai, trastuzumab được dùng như một phần của phương pháp điều trị sau phẫu thuật.

Ngoài ra, pertuzumab kết hợp trastuzumab trên các bệnh nhân có nguy cơ cao và có thể dùng trước hoặc sau khi phẫu thuật. Những loại thuốc này đều có tác dụng trong điều trị ung thư giai đoạn muộn. Nhưng với phụ nữ ung thư vú trong thời kỳ mang thai, các loại thuốc kể trên không an toàn cho thai nhi nên sẽ không được sử dụng. 

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone được chỉ định để điều trị ung thư vú sau phẫu thuật với trường hợp ung thư vú dương tính với thụ thể hormone (estrogen hoặc progesterone). Những loại thuốc trị liệu nội tiết tố có thể kể đến như: tamoxifen, anastrozole, letrozole và exemestane.

Liệu pháp hormone không dùng cho bệnh nhân trong thời kỳ mang thai vì có thể ảnh hưởng đến em bé. Các bác sĩ sẽ trì hoãn điều trị cho đến khi bệnh nhân sinh con xong.

Liệu pháp hormone được chỉ định để điều trị ung thư vú sau phẫu thuật với trường hợp ung thư vú dương tính với thụ thể hormone (estrogen hoặc progesterone)

Những khó khăn khi điều trị ung thư vú cho phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai mắc ung thư vú thường sẽ khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Mục tiêu điều trị ưu tiên cũng giống như nhóm phụ nữ không mang thai gồm tăng chữa khỏi hoặc kiểm soát tốt bệnh, giảm nguy cơ tái phát và di căn về sau. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cần quan tâm đến việc bảo vệ thai nhi đang phát triển, lo lắng liệu pháp điều trị có ảnh hưởng đến thai nhi. Điều này khiến quá trình lên kế hoạch và thực hiện điều trị trở nên phức tạp hơn. Tỷ lệ gặp phải rủi ro vì thế cũng sẽ tăng lên đáng kể. 

Y học hiện đại giúp các phương pháp điều trị ngày càng hoàn thiện để đem đến hy vọng cho bệnh nhân K vú đang mang thai

Y học hiện đại giúp các phương pháp điều trị ngày càng hoàn thiện từ đó đem đến cho bệnh nhân ung thư vú nói chung và phụ nữ mang thai mắc bệnh nói riêng nhiều hy vọng mới. Mong rằng những chia sẻ của trung tâm phục hồi hệ bạch huyết Mani Healing Care có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về điều trị ung thư vú ở phụ nữ mang thai. Đừng quên theo dõi các bài viết mới của chúng tôi để biết thêm các kiến thức hữu ích liên quan đến ung thư vú!



 
Trở lại đầu trang
096.7786.399